Tương truyền, ngày xưa thuở dựng làng, Sơn Tùng là nơi rừng rậm đầm lầy, một hôm các ngài Khai canh, Khai Khẩn phát hiện một con Cọp sa lầy gần chết, các ngài cứu thoát. Để nhớ ơn cứu tử, Cọp chịu giúp đỡ các Ngài nhiều việc, có truyền thuyết lại cho rằng Cọp này của Ngài Khai Canh Hồ Quí Tướng, Hồ Công Bình Hộ Bộ Thượng Thư có lúc các Ngài dùng làm ngựa. Lúc các Ngài qua đời Cọp về rừng, và lạ thay cứ mỗi độ Xuân kỳ Thu tế, thường niên thì sáng ngày giữa sân đình làng lại có xác thú rừng Nai hoặc Heo còn tươi máu để dân làng làm cỗ bàn cúng tế. Để ý rình đêm trước ngày cúng lễ trong bóng tối người ta thấy một con Cọp to lớn đem thú rừng về cho làng rồi lại ra đi. Thời gian từ năm này qua năm khác mỗi độ Xuân-Thu nhị kỳ hàng năm thì trường hợp ấy đều đặn xảy ra cho nên có dư luận các làng lân cận và quan trên cũng biết.
Đau đớn thay vào một mùa Thu như thường lệ Cọp ân nhân không còn nữa không mang thịt thú rừng về, dân làng xôn xao bủa ra đi tìm, khi đến Bầu Niên (làng Nam Dương) thì thấy dân làng ở đây đang bao quanh xác một con Cọp bên xác Heo rừng còn nguyên, Sơn Tùng trình bày sự thật và họ cũng hiểu ít nhiều về chuyện từ trước nên dân ở đây để Sơn Tùng nhận.
Để nhớ ơn một con Cọp có nghĩa và là ân nhân nên làng tạc tượng thờ từ ngày đó bà Con dân làng gọi là Ông Cọp, lại có truyền thuyết Cọp đi ngang Bầu Niên sa lầy bị đỉa cắn chết nên dưới bụng có tạc hình một con đỉa đang bám. Lại nói Cọp bị làng Nam Dương đánh chết khi sa lầy ở Bầu Niên nên bị kiện, và quan trên phân xử làng Nam Dương tạc hình tượng Cọp để bồi thường cho Sơn Tùng.
Chiến tranh giặc chiếm đình làng làm đồn, miếu thờ Ông Cọp bị phá sập tượng Cọp ném xuống sông, bao năm lụt bão dữ dội không hiểu thế nào đáng lẽ như những vật khác theo dòng nước trôi xa ra biển thì Cọp lại trôi dạt vào ngay nhà thờ Ngài Khai Canh Hồ Công Bình Hộ Bộ Thượng Thư (họ Hồ nhì ). Qua bao năm lửa đạn gió mưa ông Cọp nay đã phai màu.
Rồi trên đóng gạch hoang tàn, đình làng được xây dựng lại năm 1972, Ông Cọp lại về Đình nhưng không còn miếu để thờ, để an nghỉ như thời chưa chiến tranh mà oái ăm thay Cọp lại nằm dưới chân bia mộ của Ngài Khai Canh làng. Như nhắc nhở ai nhớ lại mối thâm oái oăm tình một thời xa xưa nào đó “ Thú mến tình Người “.
Nắm xương tàn đáy mộ !
Bia xanh ghi công đức
Tượng Cọp phai màu phủ phục mắt u hoài mơ hồ xa xăm như tưởng nhớ nỗi niềm đất nước tình người quê hương Sơn Tùng mến thương từ vạn cổ.
Lời bàn: Ở nhiều làng, nhiều địa phương thường thường có những câu chuyện tương truyền huyền thoại. Nước cũng có như huyền thoại (huyền sử) về “ Con Rồng cháu Tiên” của dân tộc Việt. Thái Dương Thần Nữ của dân tộc Phù Tang (Nhật) hay dụ ngôn “ Phù Đổng Thiên Vương” đời Hùng Vương thứ VI đánh giặc Ân,…
Truyền thuyết về Cọp đội ơn cứu tử của làng Sơn Tùng được truyền miệng từ đời này sang đời khác chứng tích là cái Miếu cũ kỹ dưới cây đa già và tượng cọp bằng gỗ sơn màu. Chuyện có hay không đối với Sơn Tùng vẫn là những câu chuyện thú vị mặn mà đêm nào ông bà kể lại cho con cháu nghe. Thầm nghĩ người xưa tiên tổ Sơn Tùng muốn có một dụ ngôn cho con cháu mai hậu “ Chúa Sơn Lâm, dữ như cọp mà vẫn cảm hóa được, và thú vật còn biết ân biết nghĩa, có tình huống là làm người….. “ nên Sơn Tùng vẫn xem đó là câu chuyện riêng của quê hương đầy ý nghĩa, đầy thích thú từ bao đời trước đến nay. Nên địa ký Sơn Tùng kính ghi lại để tưởng nhớ người xưa và lưu niệm.
Nghìn xưa rời bỏ chốn Sơn Lâm
Bởi vì nghĩa nặng với tình thâm
Nhớ chiều ngộ nạn Sơn Tùng cứu
Cho dạ ghi sâu tự đáy lòng
Truyền thuyết từ xưa có hay không?
Dụ ngôn còn lại Sơn Tùng đó
Tượng Cọp còn đây đã rõ lòng
Trãi bao nắng hạ với mưa đông
Bao lần khói lửa bao tai biến
Tượng vẫn còn đây với nỗi lòng
Như nhắn cùng ai người hậu thế
Vẫn một sắc son vẫn một lòng.
(Đoàn Quang Hồi-Hồ Văn Luyện sưu tầm)
Những tin mới hơn
Làng Sơn Tùng là ngôi làng thuộc Xã Quảng Vinh, Huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có lịch sử tồn tại hơn 500 năm. Những người con của Làng muốn góp phần phát triển cho quê nhà, phát triển tình đoàn kết của người dân trong làng nên đã làm website này. Từ đó trở thành...