Khái quát lịch sử hình thành và tồn tại Ngôi chùa Sơn Tùng

Thứ ba - 22/11/2022 21:26
Theo Đại nam nhất thống chí: Đời Trần Anh Tôn hiệu Hưng Long thứ 14 (1306) gả công chúa cho vua Chiêm thành là Chế Mân. Chế Mân lấy 2 châu Ô, Lý làm lễ cưới, Vua Trần đặt làm Thuận Châu và Hóa châu (Thừa Thiên thuộc đất Hóa Châu )

Đời nhà Lê đổi thành Thuận Hóa năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đặt Thuận Hóa Thừa Tuyên

Tam Ty.Vùng đất của làng thời đó thuộc về xứ Đan Điền thuộc phủ Triệu Phong.

Bản Triều Gia Dụ Hoàng Đế năm Mậu Ngọ nguyên niên (1558) dựng cơ nghiệp ở miền Nam, gồm có đát Thuận Quảng dựng dinh ở xã Ái Tử đổi xứ Đan Điền thành Quảng Điền.

Anh Tôn Hiếu Nghĩa Hoàng Đế năm Đinh Mão nguyên niên (1687) dời dinh đến Phú Xuân.

Năm Tân Dậu( 1801) Thế Tổ Cao Hoàng Đế ( Vua Gia Long ) khôi phục lại triều chính 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vinh thuộc Triệu Phong đặt làm Dinh Quảng Đức.

Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi Quảng Đức thành Thừa Thiên phủ. Khi nhà Nguyễn củng cố được quyền lực,các chúa Nguyễn cho dân đi khai hoang,lập ấp. Các bậc tiền nhân của làng cũng đã bắt đầu hình thành các khu vực dân cư, lập nên làng xóm. Buổi đầu vô cùng gian khó, rừng thiên nước độc, đầm lầy hoang sơ, để khích lệ tinh thần cho nhân dân, các Chúa Nguyễn cho tôn tạo lại chùa chiền để có nơi sinh hoạt tâm linh cho nhân dân. Chùa làng cũng được dựng lên. Từ năm 1734 đến năm 1743 chùa được hoàn thành do ngài Long Võ Vệ Tín Đức Bá Đoàn Phúc Hòa sùng tu.

Trong Đại Nam nhất thống chí viết lại: Ở xã Sơn Tòng huyện Quảng Điền xưa có ngôi chùa cảnh trí u tịch , vua Thế Tôn Hoàng Đế Bản Triều năm Bính Tý (1756) cho trùng tu lại. Ban cho một tấm biển khắc 5 chữ: “ Sắc Tứ Sơn Tùng Tự” và 4 câu đối:

1.     THỦY TÚ SƠN MINH HẢI QUỐC VÔ SONG NGUYÊN PHƯỚC ĐỊA

         TRÙNG HƯNG CỔ TỰ NAM THIÊN ĐỆ NHẤT THỊ SƠN TÙNG.

2.     PHÁP VŨ TÂN PHÂN, SONG THỌ CHI ĐẦU LIÊN BỐI DIỆP

         HƯƠNG VÂN LIỆU NHIỄU, ĐÀM HOA ẢNH LÝ HIỆN KIM DUNG.

3.     VẠN TƯỢNG QUANG TRUNG NHẤT ĐIỂM LINH QUANG TRIỀM HÓA NHẬT

         BÁCH HOA NHỊ NỘI SỞ CHI HÀM NHỊ BÁO XUÂN MINH.

4.     MAI NGỌC ĐIỆN XUÂN PHONG, ĐỘC ÁI THANH HƯƠNG CUNG PHẬT TỌA

         ĐÀO HOA KHAI LỆ NHẬT , DI LAI THỂ SẮC ẢNH THIÊN CUNG.

DỊCH NGHĨA:

1. Núi sông tốt đẹp đất nước trong hải quốc này không chỗ nào sánh kịp

Chùa xưa tu bổ lại Sơn Tùng là cảnh thứ nhất ở trời Nam.

2. Mưa phép rộn ràng đầu cành song thụ liền với cây bố diệp

Mây lành phất phưởng bóng hoa ưu đàm xuất hiện kim dung.

3. Giữa muôn tượng quang minh gội điểm linh quang của vầng hóa nhật

Trong trăm hoa nở nhụy có vài cánh hàm nhị đón cảnh dương xuân.

4. Hoa mai quyến rũ gió xuân áng Phật mùi hương ngào ngạt đến

Bông đào tươi cười bóng nhật cung thiền sắc đẹp lững lờ đưa.

Trải qua các cuộc binh biến, chùa bị sụp đổ nhưng mấy câu đối và tấm biển vẫn còn. Năm Thiệu Trị thứ hai (1842) vua sắc chế lung trào bằng the vàng bao bọc để vào chùa lưu truyền thắng tích ( hiện nay đã bị thất lạc).

Trước năm 1945, chùa được dựng lại và là nơi tụ tập sinh hoạt của dân làng.Hồi đó, chùa có thầy Nguyễn Huy người làng Hạ Cảng về ở để tu học và trông coi chùa. Kháng chiến bùng nổ, toàn dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp theo lệnh của Ủy Ban kháng chiến. Đêm 25/02 năm Kỷ Sửu (1949), chùa bị tiêu thổ. Sau đó vì hoàn cảnh chùa chưa được dựng lại, các bác trong chùa làng phải sinh hoạt chung với khuôn hội Đông Lâm bên cạnh một thời gian. Năm 1960, bác Văn Hữu Đối cùng các bác ở khuôn hội viết đơn xin làng nhượng lại chùa (vì trước đó chùa thuộc làng quản lý). Đơn xin nhượng chùa được ông Hoàng Năm chủ tịch Ủy Ban xã Quảng Vinh dưới thời Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa ký (Ông Văn Hữu Tuệ làm trưởng làng).

Khi được sự đồng ý nhượng chùa để khuôn hội quản lý, chùa được trùng tu lại trước điện thờ Tam Thế Phật, sau hậu liêu thờ linh. Chùa hoạt động rất thịnh hành, bà con đạo hữu và khuôn hội đã vận động tài chính về làm lễ an vị và chẩn tế tổ chức rất quy mô( Đại lễ được tổ chức do Ôn Châu Lâm Thích Vĩnh Thừa ngồi đàn Sám Chủ).

Trước năm 1975, chùa được Giáo Hội Phật Giáo Việt nam thống nhất giúp đỡ để đào tạo tổ chức gia đình phật tử hoạt động rất nề nếp và năng động có các anh chị như Văn Hữu Bích, Văn Hữu Túc, Đoàn Phước Lũy, Đoàn Năm…là những nhân tố hoạt động trong phong trào này, đào tạo cho tương lai của làng nhiều người con ưu tú. Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước trong bối cảnh lịch sử sau chiến tranh, vấn đề tôn giáo bị hạn chế hoạt động, các cơ sở vật chất của chùa bị phá bỏ và hư hỏng theo thời gian. Năm 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập. Năm 1982, chùa làng bắt đầu khôi phục lại, dần dần sửa chữa để có nơi tu học cho đạo hữu. Sau một thời gian dài đi vận động tài chính ,Ban Hộ Tự của chùa do bác Hồ Đăng Bức và bác Đoàn Quang Ấu tổ chức sửa chữa lại chùa. Năm 1998, chùa hoàn thành và được tổ chức đại lễ an vị khánh thành chẩn tế dưới sự chứng minh của hòa thượng Thích Đức Phương, Thượng tọa Thích Tự Phương làm Sám Chủ. Từ đó đến nay, thời gian cũng khá dài, các thế hệ đi trước đã về cõi vĩnh hằng, người còn ở lại thì cũng nao lòng trước cảnh chùa bị tàn phá theo thời gian mưa sa gió tạt, lụt bão , khí hậu khắc nghiệt, mối mọt hoành hành, ngôi chùa cổ xuống cấp trầm trọng. Các công trình phụ để làm nơi sinh hoạt cho các em trong gia đình phật tử không có , thiếu thốn đủ thứ.

Đứng trước sự thách thức đó , mỗi chúng ta ai cũng ngậm ngủi và muốn làm 1 điều gì đó giúp cho chùa, thiết nghĩ một cá nhân không thể làm gì được. Vì vậy, theo mong muốn của chùa , vận động mọi người hãy phát tâm một chút tịnh tài góp sức lại để tu sửa chùa , cùng nhau xây dựng lại những gì mà tiền nhân đã dựng lên để chùa khang trang và đẹp đẽ hơn.

Nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả.

                                                                   Sài Gòn, Mùa Vu Lan 2014

HỒ VĂN MINH

Tác giả: minhtuan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây